Ngày 10/5, Đoàn công tác của Bộ Nông nghiệp và PTNT do Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Trần Quang Hoài cùng có chuyến khảo sát tình hình sạt lở đê, rừng phòng hộ biển Đông tại huyện Ngọc Hiển.
Đoàn công tác Bộ NN&PTNT đi khảo sát sạt lở đê biển Đông.
Đoàn khảo sát thực tế tình hình sạt lở đất rừng từ cửa biển Vàm Xoáy, xã Đất Mũi đến cửa biển Rạch Gốc, thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển. Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn tỉnh có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở, xảy ra cả ven biển Đông và biển Tây. Hiện tại, tỉnh đã khắc phục sạt lở nhiều vị trí xung yếu với tổng chiều dài 22.667 m, ngoài ra cũng triển khai xây dựng các loại kè bằng vật liệu địa phương, kè bản nhựa, kè rọ đá, kè tường mềm giảm sóng để khắc phục sạt lở đê biển với chiều dài 6.687 m.
Để khắc phục sạt lở, xây dựng những giải pháp trước mắt và lâu dài, Phó chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử đề xuất với đoàn công tác của Bộ NN&PTNT, Chính phủ nên hỗ trợ kinh phí để tỉnh thực hiện dự án xây dựng kè tạo bãi, trồng rừng phòng chống sạt lở bờ biển Tây với tổng mức đầu tư khoảng 657,5 tỷ đồng; biển Đông với tổng mức đầu tư khoảng 633,5 tỷ đồng.Trước mắt, tỉnh cần hỗ trợ khẩn cấp 200 tỷ đồng để xây dựng các đoạn bờ biển đang sạt lở nhanh. Cụ thể, đoạn Hố Gùi, xã Tam Giang Đông, huyện Năm Căn chiều dài 1.000 m. Đoạn Ô Rô, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển 2.000 m. Đoạn Rạch Rốc, xã Viên An, huyện Ngọc Hiển chiều dài 3.000 m. Đoạn Hốc Năng, xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển 4.000m. Đồng thời tỉnh cũng kiến nghị Bộ NN&PTNT sớm thông qua Chính phủ việc rà soát quy hoạch hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang để tỉnh Cà Mau có đủ cơ sở triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đê biển Đông.
Ông Trần Quang Hoài đề nghị tỉnh Cà Mau sớm xây dựng các khu tái định cư để di dời dân ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời tham mưu với Bộ NN&PTNT để có cơ chế chính sách thông thoáng, tạo điều kiện tỉnh mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào khai thác và bảo vệ bờ biển trong vấn đề chống sạt lở.
# Tình hình sạt lở tại Cà Mau
Do tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, toàn tỉnh có khoảng 150 km bờ biển bị sạt lở, xảy ra cả ven biển Đông và biển Tây Bình quân sạt lở từ 20 - 25 m/năm ở bờ biển Tây, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm. Ở biển Đông, bình quân từ 45 - 50 m mỗi năm; trung bình mỗi năm bờ biển của Cà Mau sạt lở khoảng 450 ha. Có nhiều đoạn sạt lở vào sát chân của đê biển, đe dọa đến 100.000 ha đất nuôi trồng thủy sản của trên 260.000 hộ dân. Đặc biệt, hiện nay do ảnh hưởng gió mùa Đông Bắc kết hợp với triều cường dâng cao làm cho 48.000 m bờ biển Đông bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn mất hết đai rừng phòng hộ và lở sâu vào đất liền từ 50 - 80 m trên đoạn chiều dài bờ biển hơn 10.000 m. Theo nhận định của ngành chức năng, nguyên nhân dẫn đến sạt lở là do tác động của dòng chảy ven bờ và của thủy triều; đặc biệt là tác động của sóng to, gió lớn.
Bình luận & Nhận xét
Chúng tôi trân trọng mọi phản hồi và chia sẻ của bạn